Doanh thu ngành thông tin và truyền thông vượt 1,8 triệu tỷ

Doanh thu và lợi nhuận của ngành thông tin và truyền thông (ngành TTTT) tăng trưởng 2 con số so với năm ngoái. Trong 6 tháng, toàn ngành đóng góp 461.900 tỷ đồng vào GDP.

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT), trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu toàn ngành TTTT ước đạt 1.833.162 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận thu về đạt 137.276 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ghi nhận giai đoạn 6 tháng, ngành TTTT đóng góp 461.900 tỷ đồng vào GDP, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2021. Toàn ngành nộp 60.883 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước, giảm nhẹ so với con số 61.158 tỷ đồng vào năm ngoái.

Trong đó, doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) ước đạt 72,5 tỷ USD, tăng 17,8% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu phần cứng – điện tử đạt 57 tỷ USD, tăng 16,4%. Riêng xuất khẩu máy tính ước đạt 29,1 tỷ USD (tăng 21,8%) và điện thoại ước đạt 27,9 tỷ USD (tăng 11,2%).

Nhìn vào cơ cấu doanh thu công nghiệp CNTT, tỷ lệ giá trị Make in Vietnam chiếm 26,7%, tương đương 19,4 tỷ USD.

Tính đến nay, Việt Nam có khoảng 67.300 doanh nghiệp công nghệ số, tăng 3.422 doanh nghiệp so với tháng 12/2021, gần đạt mục tiêu 70.000 doanh nghiệp đề ra trong năm nay.

Theo chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến 2030, cả nước đặt mục tiêu có khoảng 80.000 doanh nghiệp công nghệ số vào năm 2025.

Dẫu vậy, các doanh nghiệp vẫn tập trung chủ yếu tại những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Bắc Ninh và chưa có sự phân bổ đồng đều. Tổng số doanh nghiệp công nghệ số của 4 tỉnh thành chiếm 72% tổng số của cả nước.

Một số lĩnh vực khác của ngành cũng chứng kiến sự tăng trưởng vượt trội. Điển hình, doanh thu dịch vụ bưu chính trong giai đoạn này đạt 27.000 tỷ đồng, tăng 15%. Sản lượng bưu gửi tăng khoảng 25%, đạt 870 triệu đơn vị.

Trong khi đó, doanh thu dịch vụ viễn thông đạt 71.063 tỷ đồng, tăng lần lượt 7,8% và 6,8% so với cùng kỳ năm 2021-2020.

Đối với Mobile Money, số lượng thuê bao di động sử dụng dịch vụ tăng 4 lần so với tháng 1, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng tháng đạt 20%. Đáng chú ý, số lượng người dùng đăng ký và sử dụng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo chiếm 67%.

Đến cuối tháng 6, tổng số tài khoản phát sinh ít nhất một giao dịch trong vòng 6 tháng vượt 1,7 triệu đơn vị, chiếm 97,3% tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ.

Theo Zing

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *