Sự việc từng chấn động giới kinh doanh trực tuyến Trung Quốc bắt đầu từ thông báo của Tổng cục Thuế Trung Quốc vào ngày 20/12/2021: Huang Wei, hay còn gọi là Viya, đã bị phát hiện trốn thuế với số tiền lên đến 640 triệu nhân dân tệ (khoảng 100 triệu USD) từ năm 2019 đến 2020.
“Live-streaming queen” – biệt danh của Viya – đã lợi dụng danh tiếng để khai báo sai thu nhập từ các nền tảng thương mại điện tử. Cô đã bị yêu cầu nộp phạt 1,34 tỷ nhân dân tệ (211 triệu USD), bao gồm tiền thuế, phí chậm nộp và tiền phạt. Vụ việc này đã gây chấn động giới livestream bởi số tiền phạt kỷ lục chưa từng có.
Giới chức Trung Quốc cho biết, Viya sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu nộp đủ số tiền phạt trong thời hạn quy định. Ngược lại, cơ quan thuế sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để xử lý theo pháp luật.
Ngay sau khi thông tin được công bố, các tài khoản mạng xã hội của Viya trên Weibo, Taobao và Douyin đều “bay màu”. Trước đó, cô đã đăng tải lời xin lỗi trên Weibo, bày tỏ sự hối hận: “Sai lầm vẫn là sai. Tôi sẵn sàng gánh chịu mọi hậu quả.” Cùng lúc, chồng cô, Dong Haifeng, cũng đăng lời xin lỗi trên Weibo vì đã không hỗ trợ vợ.
Trước đó, vào tháng 8/2021, Bộ Thương mại Trung Quốc đã đưa ra đề xuất về “tiêu chuẩn ngành” đối với những người livestream bán hàng trên các nền tảng mua sắm trực tuyến.
Viya, 36 tuổi, là một trong những influencer nổi tiếng nhất Trung Quốc trong thập kỷ qua. Cô góp phần mang về doanh thu hàng tỷ nhân dân tệ cho các nhãn hàng. Bên cạnh đó, Viya cũng tích cực tham gia các hoạt động phúc lợi công cộng do Taobao tổ chức, tiêu biểu là hỗ trợ bán nông sản cho các vùng nghèo khó. Cô từng nhận được nhiều giải thưởng của chính phủ cho những nỗ lực này.
Vụ việc phạt Viya đã khiến cổ phiếu của các công ty công nghệ Trung Quốc giảm mạnh. Cổ phiếu của Alibaba và Kuaishou Technology giảm gần 1,5%, trong khi Bilibili, nền tảng chia sẻ video, giảm hơn 6%.
Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ livestream: Đừng thách thức luật pháp để kiếm tiền!
Theo tờ South China Morning Post, hướng dẫn về livestream do Cục Quản lý Phát thanh và Truyền hình Quốc gia Trung Quốc và Bộ Văn hóa và Du lịch ban hành chung, trong đó cấm 31 hành vi và yêu cầu người livestream phải có bằng cấp phù hợp khi đề cập đến các chủ đề nhất định như luật, tài chính, y học và giáo dục.
Những quy định này được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang siết chặt quản lý thị trường thương mại điện tử trực tuyến, như một phần trong nỗ lực kiểm soát ngành công nghệ và internet của Trung Quốc.
Nền tảng video ngắn Kuaishou yêu cầu người sáng tạo nội dung của mình tải lên các giấy tờ liên quan để chứng minh danh tính và bằng cấp. Mặc dù quy định này không bắt buộc ở giai đoạn này, nhưng những người hoàn thành quy trình xác minh sẽ nhận được biểu tượng “đã xác minh” trên nền tảng. Ví dụ, một người có tầm ảnh hưởng tự xưng là nhà kinh tế học có thể xác minh bằng cấp của họ bằng cách tải lên ảnh chụp thẻ căn cước và thư xác nhận chức danh của họ, theo thông tin công khai trên ứng dụng.
Tờ Nhân dân Nhật báo Trung Quốc nhận định livestream “không phải là công việc mà bạn có thể làm chỉ bằng cách chuẩn bị một số thiết bị và pha trò”. Tờ báo này nhấn mạnh: “Một số người livestream bán sản phẩm trực tuyến đã vô tình chuốc lấy rắc rối cho bản thân. Bài học này rất sâu sắc. Để trở thành một người livestream, bạn phải tuân thủ các quy tắc. Đừng thử nghiệm giới hạn để có được nhiều lưu lượng truy cập hơn, [đừng] thách thức luật pháp để kiếm tiền”.
Sự phát triển theo cấp số nhân của lĩnh vực livestream tại Trung Quốc trong đại dịch Covid-19 đã mở ra một phương thức mua sắm và giải trí mới cho người dân trong thời gian phong tỏa và cách ly. Tuy nhiên, ngành công nghiệp livestream đã mất đi hai ngôi sao lớn nhất sau khi chính phủ siết chặt quản lý.
Giáo sư Wang Sixin tại Đại học Truyền thông Trung Quốc, cho biết “đặc biệt là trong các lĩnh vực cụ thể, yêu cầu về chất lượng của những người trẻ tuổi trong ngành livestream sẽ được nâng cao”, nhưng vẫn có những “lĩnh vực phi chuyên nghiệp” có thể thu hút giới trẻ.
An ninh Tiền tệ