Dưới góc độ nhãn hàng, an toàn thương hiệu trên mạng xã hội luôn là “nỗi đau đáu” của doanh nghiệp, khi có hàng trăm nhãn hàng hoạt động trên nhiều nền tảng.
“Từ khi chưa có khái niệm về ‘nhà sáng tạo nội dung số, sau 10 năm, đây đã trở thành một ngành nghề, tạo nên một cộng đồng lớn mạnh tại Việt Nam. Sáng tạo số đã đạt tới một quy mô như xã hội thu nhỏ”, chia sẻ của ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, tại Diễn đàn Nhà sáng tạo nội dung số Việt Nam 2024 (Vietnam iContent 2024) lần đầu tiên được tổ chức tại Tp.HCM mới đây.
Nhìn lại 10 năm qua, sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, đặc biệt là Facebook với 20 triệu người dùng tại Việt Nam (chiếm 22% dân số) bắt đầu vào năm 2014 đã tạo ra cơ hội lớn cho các nhà sáng tạo nội dung.
Đến năm 2019, TikTok xuất hiện chính thức, thúc đẩy sự chuyển mình với các video ngắn định dạng dọc thay thế các video truyền thống.
Về phía các đơn vị chủ quản của các nền tảng xã hội, bà Phương Huỳnh, Quản lý đối tác chiến lược YouTube tại Việt Nam cho biết, năm 2024 đánh dấu 10 năm nền tảng này có mặt tại Việt Nam.
Bà cho biết, YouTube Việt Nam đang có trên 6 kênh với hơn 10 triệu lượt theo dõi, hơn 1.800 kênh có hơn 1 triệu người theo dõi; trong đó hơn 30% các nhà sáng tạo trong số này của YouTube nhận được thu nhập hơn 100 triệu mỗi năm.
Trong khi đó, TikTok cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ. Ông Nguyễn Lâm Thanh, Tổng giám đốc TikTok Việt Nam, cho biết có đến 3,7 triệu tài khoản người dùng đã có thu nhập từ nền tảng này, minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ của các nhà sáng tạo và nền tảng tại Việt Nam.
Dưới góc độ kinh doanh, bà Nguyễn Minh Đình Như, Giám đốc tăng trưởng của Publicis Media thuộc Publicis Groupe, cho biết nhà sáng tạo nội dung giúp các nhãn hàng tăng tỷ lệ tương tác gấp 2,5 lần so với quảng cáo truyền thống, đặc biệt đối với nhóm khách hàng trẻ tuổi.
Báo cáo từ TikTok năm 2024 cho thấy tỷ lệ chuyển đổi đơn hàng từ các video đạt hiệu quả cao gấp 2 lần so với nội dung do chính thương hiệu đăng tải.
“Giai đoạn 2019-2023 chứng kiến sự bùng nổ của TikTok tại Việt Nam, với hơn 4 triệu nhà sáng tạo nội dung tham gia, thúc đẩy ngân sách marketing của các thương hiệu gia tăng mạnh mẽ từ 20% trong năm 2023 lên 30% vào năm 2024”, bà Nguyễn Minh Đình Như nhấn mạnh.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, bà Lê Thị Trâm Anh, Trưởng bộ phận Truyền thông Vinamilk đánh giá: “Trong thời đại số, sự sáng tạo không chỉ gói gọn trong việc tạo ra nội dung độc đáo mà còn là việc làm thế nào để các thương hiệu có thể duy trì được mối quan hệ lâu dài với người tiêu dùng qua các nền tảng kỹ thuật số”.
Dù phát triển mạnh, song trong giai đoạn 2020-2023, nội dung tiêu cực đã lan rộng trên mạng xã hội, gây lo ngại về chuẩn mực và giá trị xã hội. Đến 2024, ngành sáng tạo nội dung đã ổn định trở lại, với sự phối hợp giữa các nền tảng, nhà sáng tạo và cơ quan quản lý nhằm phát triển nội dung tích cực và lành mạnh.
Bà Lê Thị Hồng Nhi, Phó tổng giám đốc Unilever Việt Nam cho rằng an toàn thương hiệu trên mạng xã hội luôn là “nỗi đau đáu” của doanh nghiệp, khi có hàng trăm nhãn hàng hoạt động trên nhiều nền tảng.
Việc tạo ra nội dung tích cực, lành mạnh không chỉ giúp doanh nghiệp phát triển mà còn bảo vệ hình ảnh thương hiệu, đặc biệt khi video ngắn đang lên ngôi. Unilever cũng chú trọng đến việc xây dựng các chiến dịch truyền cảm hứng tại các khu vực nông thôn, nâng cao nhận thức về sức khỏe và bảo vệ môi trường.
Trước trăn trở này, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử khẳng định, Nghị định 147 vừa được Chính phủ ban hành sẽ là bước ngoặt trong việc tăng cường quản lý không gian mạng với một số quy định nổi bật sau:
Thứ nhất, các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google, TikTok phải đăng ký hoạt động với Bộ Thông tin và Truyền thông nếu chưa có văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Thứ hai, các nền tảng và người dùng phải chịu trách nhiệm đối với nội dung không lành mạnh. Cơ quan chức năng sẽ yêu cầu từ chối hợp tác với các nhà sáng tạo nội dung vi phạm.
Thứ ba, những sửa đổi, bổ sung trong Luật Quảng sắp được ban hành sẽ bao gồm những quy định chặt chẽ trong việc cần phân biệt rõ giữa người quảng cáo và người đánh giá (review) sản phẩm, đồng thời yêu cầu người nhận quảng cáo phải thông báo những nội dung có yếu tố quảng cáo, hoặc gắn nhãn quảng cáo cho sản phẩm trên nền tảng xã hội.
Nhịp sống thị trường