Chi 10 triệu đồng để học livestream
Đầu năm 2021, Quỳnh Quỳnh (32 tuổi) bắt gặp một bài đăng về khóa học livestream bán hàng trên MXH. Khoá học gồm 7 buổi, học phí đang được khuyến mãi sâu nên chỉ còn 9 NDT (khoảng 30 nghìn đồng). Vẫn biết giá học phí này chỉ để “câu” học viên nhưng lúc đó đang ở nhà nghỉ thai sản và muốn kiếm thêm thu nhập nên cô đăng ký tham gia.
Nói là khoá học nhưng không được dạy trực tuyến qua video mà mọi thứ diễn ra trong một nhóm chat chung. Trong ngày học, giảng viên gửi tài liệu để mọi người xem trước, đến 8h tối, người này sẽ online và giải đáp mọi thắc mắc của học viên. Nhìn chung không khí rất tốt nên Quỳnh thấy khá hiệu quả.
Trong quá trình học còn có sự xuất hiện của một người (tạm gọi là A) được cho là thành công nhờ khoá học đến chia sẻ. Tài khoản của người này có khoảng 200k người theo dõi và hàng triệu lượt yêu thích, là con số ấn tượng với Quỳnh và các học viên. A cũng nhấn mạnh hầu hết những kiến thức giúp đem lại thu nhập cao đến từ khoá học nâng cao. Lúc này nhiều người nhận ra mục đích xuất hiện của A là để bán khóa nâng cao. Tuy nhiên vì những thành quả mà anh ta đạt được, họ vẫn quan tâm đến khóa học này.
Theo giới thiệu, khoá học nâng cao được chia thành 3 lớp: lớp ưu tú, lớp livestream và lớp làm vlog. Trong đó lớp ưu tú cam kết sau khi học xong, học viên sẽ có hơn 10k lượt theo dõi. Khi chọn gói 2 – 3 lớp trong khoá này, học viên sẽ được khuyến mãi khóa chỉnh sửa video miễn phí giá 699 NDT (khoảng 2,3 triệu đồng). Vì ấn tượng ở lớp cơ bản rất tốt nên Quỳnh đăng ký gói ưu tú + lớp livestream, tổng chi phí là 3.000 NDT (gần 10 triệu đồng).
Và sau khi tham gia khoá học nâng cao, Quỳnh Quỳnh nhanh chóng nhận ra mình đã bị lừa, lãng phí thời gian lẫn tiền bạc mà chẳng nhận được kết quả tương xứng.
Về khoá chỉnh sửa video, đó chỉ là nội dung chắp vá, không được tổ chức và giải thích rõ ràng. Khi Quỳnh nhờ giáo viên hướng dẫn một số chỗ chưa hiểu, thái độ của người này rất miễn cưỡng và khó chịu, trả lời cho có. Kết quả, cô không thu được kiến thức nào hữu ích.
Lớp ưu tú có rất nhiều nội dung trùng lặp với khoá cơ bản trước đó, thậm chí còn kém hơn. Giáo viên chỉ nói qua loa rồi để học viên tự thực hành và làm video. Những lời hứa như “bắt bệnh” cho từng tài khoản, giúp đạt 10k lượt theo dõi,… đều không được thực hiện.
Trước thực tế này, Quỳnh Quỳnh và một số thành viên trong lớp đã gặp giáo viên để đòi lại tiền học phí nhưng không được. Không còn cách nào khác, cô đành tiếp tục tham gia lớp livestream và chất lượng lớp học vẫn rất kém. Sau khi kết thúc khóa học các link tài liệu học cũng hết hạn nên cô không thể xem lại được.
Chia sẻ về trải nghiệm này, Quỳnh nói: “Tôi nghĩ mình là người có thái độ tích cực với việc trả tiền để mua kiến thức, nhưng lần này tôi thực sự đã học được một bài học lớn. Điều này không có nghĩa là tôi không đạt được gì, nhưng chất lượng nội dung, tiêu chuẩn giảng dạy và dịch vụ do các khóa học cung cấp không xứng đáng với số tiền đã bỏ ra”.
Đừng hi vọng đi đường tắt kiếm tiền nhờ khoá học livestream
Dù đã xuất hiện được vài năm nhưng trong thực tế, livestream vẫn là một công việc mới, chuyện người này mở lớp hướng dẫn người kia hoàn toàn tự phát, mang tính chất trải nghiệm cá nhân. Ngay cả những người đi đào tạo về livestream đôi khi cũng phải vừa làm để tích lũy kinh nghiệm vừa đem đi dạy lại cho người khác.
Điều đáng nói, họ chủ yếu kiếm tiền thông qua việc đào tạo livestream cho người mới nhưng lại nói rằng livestream đem đến rất nhiều tiền. Vậy nên không cần phải quá chú ý đến nội dung đào tạo vì hầu hết các giảng viên đều chia sẻ ở mức độ cơ bản, phần lớn được cung cấp miễn phí trên internet.
Ngoài ra, giảng viên cũng không bảo đảm rằng thông qua quá trình đào tạo của họ, bạn có thể kiếm tiền ngay lập tức. Bởi lẽ mỗi người có một điều kiện khác nhau, giữa bạn và những người đang giảng dạy có xuất phát điểm khác nhau. Cho dù có sự tương đương đi chăng nữa thì diện mạo và lối nói chuyện cũng khác nhau, mấu chốt nằm ở việc bạn sẽ làm thế nào. Vì vậy với nhiều người, bỏ tiền cho các khóa học livestream với hy vọng có đường tắt sẽ không hiệu quả.
Nhưng điều này không có nghĩa là việc đào tạo không có tác dụng, Quỳnh Quỳnh cũng xác nhận điều này. Những lợi ích từ các khóa học livestream có thể tóm tắt như sau:
Đầu tiên là việc mở rộng mối quan hệ, làm quen với nhiều người trong khóa học. Nếu kết nối được với những người bạn chất lượng, có thể cùng đồng hành trong quá trình phát triển nghề nghiệp thì số tiền bỏ ra không bị lãng phí.
Thứ hai là một vài câu nói key, mang tính thức tỉnh. Mỗi khóa học, chỉ cần bạn nhận ra một câu như vậy là đã tốt lắm rồi.
Việc này cũng giống như bỏ tiền mua một cuốn sách. Liệu bạn có thể hiểu hết nội dung trong sách chỉ với một lần đọc? Điều đó là không thể. Dù hiểu được thì trước hết bạn cũng phải có nền tảng kiến thức vững vàng được tích lũy từ nhiều năm trước đó. Tuy nhiên trong mỗi cuốn sách luôn có những quan điểm mà bạn không ngờ tới, đem đến nhiều sự thú vị.
Ngoài ra khi người có kinh nghiệm đi đào tạo thì có nghĩa là họ đã hệ thống hóa nội dung, tóm tắt kiến thức cơ bản của ngành. Đồng thời họ cũng sẽ chia sẻ những kinh nghiệm xử lý các tình huống điển hình như cách trả lời câu hỏi để không làm mất lòng khách hàng, không bị vạ miệng ngay trên livestream,…
Thứ ba là nguồn lực phía sau các giảng viên đào tạo livestream vì hầu hết những người này đều có công ty riêng hoặc MCN (Multi Chanel Network – mạng lưới) “chống lưng”. Khi bạn tham gia khóa học của họ, nếu bạn ngày càng có nhiều người theo dõi và kiếm được nhiều tiền thì họ cũng thêm phần uy tín, có thể lấy bạn làm ví dụ hoặc mời bạn về chia sẻ với các khóa tiếp theo. Vì vậy nếu cần, cứ thử đặt vấn đề với giảng viên xem sao nhé!
3 điều cần nhớ trước khi chi tiền
Livestream chốt đơn vẫn luôn được nhận xét là công việc hái ra tiền nhưng trong thực tế, kiếm tiền chưa bao giờ là chuyện dễ dàng. Vì vậy việc nhiều người chi tiền để tham gia các khóa học đào tạo livestream với mong muốn hỗ trợ công việc là hoàn toàn chính đáng.
Tuy nhiên cũng vì kiếm tiền không dễ mà trước khi quyết định chi tiền cho bất cứ việc gì, bao gồm cả học livestream cần cân nhắc về tính hiệu quả, sự cần thiết. Và đây là 3 điều nên biết trước khi quyết định chi tiền cho các khóa học “chốt đơn”:
Đầu tiên, cho dù bạn muốn tìm hiểu cách bán hàng thông qua livestream hay nhờ làm video thì phần lớn nội dung đều có thể tìm kiếm trên internet. Điều mấu chốt nằm ở việc bạn có chịu bỏ thời gian, công sức để tự tìm kiếm và chắt lọc kiến thức hay không.
Tiếp theo, nếu lười hoặc khả năng thu thập thông tin chưa tốt, bạn cũng có thể đăng ký các khóa học. Nhưng hãy cân nhắc chi phí, con số không nên vượt quá số tiền chiêu đãi ai đó một bữa ăn.
Cuối cùng, cũng là điểm quan trọng nhất, thành công là thứ có thể học hỏi nhưng không thể sao chép. Khi tham gia các khóa học livestream đừng nghĩ rằng chỉ cần học xong là có thể kiếm tiền nhanh chóng và dễ dàng, khóa học dù tốt đến đâu cũng không thể giúp bạn làm việc đó. Thậm chí, ở góc độ nào đó mà nói, không có sự khác biệt về chất lượng giữa khóa học vài trăm nghìn và vài chục triệu đồng.
Thành công của những “chiến thần chốt đơn”, “thánh bán hàng” mà bạn thấy trên MXH, ngoài sự chăm chỉ và phương pháp còn liên quan mật thiết đến cá tính riêng của họ. Sau khi nắm vững những kiến thức cơ bản, việc nên làm tiếp theo chỉ có thể là khám phá những đặc điểm nổi bật của bản thân và áp dụng kiến thức vào thực tế. Cho dù bạn có hoàn thành nhiều khóa học đến đâu mà không tìm ra và giải quyết vấn đề thì mọi thứ cũng sẽ công cốc mà thôi.